Một số đặc điểm hát đúm Hát_đúm

Ý nghĩa

Hát đúm xưa được nhiều người dân yêu thích và tham gia, nhất là thanh niên nam nữ, bởi đây là hình thức sinh hoạt văn hóa, nơi mà thanh niên nam nữ gửi gắm nỗi niềm của mình với bạn bè, cũng là dịp làm quen, tìm hiểu nhau để rồi đi đến luyến ái, hôn nhân. Cứ mỗi đêm trăng sáng, trai gái tổng Phục lại tụ tập bên nhau để hát hò đối đáp và... “ghẹo nhau”. Đến ngày hội xuân, các cô thôn nữ vẫn khăn đen mỏ quạ đội đầu, che mặt tham dự hội, trai làng này sang hát với gái làng kia[3].

Hình thức diễn xướng

Xưa, hát đúm có hai hình thức diễn xướng, hát lẻ và hát hàng.[4]

  • Hát lẻ chỉ do một giới (nam hoặc nữ) hát đối, mỗi nhóm hát thường có vài ba người; diễn ra mọi lúc, mọi nơi, hát khi đi trên đường, ở nơi lao động lúc giải lao hay vừa làm vừa hát, thậm chí ngay ở sân đình, sân chùa, những ngày hội…
  • Hát hàng thường chỉ diễn ra ở lễ hội đình, chùa, do hai giới nam và nữ tham gia; nữ giới thường là người làng, xã ngồi một bên hàng ghế, phía đối diện là hàng ghế danh cho nam giới; trước khi hát thì có giao kèo, bên thua cuộc mất một vật gì đó, có thể là cái áo, cái nón, cái ô…  cho bên thắng. Khi hát có nhạc bát âm; các tràng trai, cô gái mặt nhìn mặt, tay cầm tay; hai bên đối đáp, bên nào không đối đáp được là thua.

Lời, làn điệu hát đúm

Hát đúm không phát triển về giai điệu, mà phát triển về lời ca, chỉ với ba cao độ Rề, Sol, nhưng những người hát đã sáng tác ra hàng nghìn lời ca phản ánh đời sống của người dân vùng ven biển để ứng đối với nhau. Lời của hát Đúm chủ yếu thuộc hai thể loại chính là lục bátsong thất lục bát. Làn điệu của hát đúm gồm có: trống quân, cò lả, quan họ, sa mạc, lý giao duyên[6][7].

Ở Thủy Nguyên, tổng Phục xưa nổi tiếng là nơi có giọng nói trong trẻo, ngọt ngào. Vì lẽ đó mà cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng đề nghị dùng âm Phục Lễ làm âm chuẩn cho tiếng Việt.

Trình tự, nội dung, thời gian hát đúm

Tại các lễ hội, bài bản của hát đúm rất phong phú, nhiều nội dung diễn ra từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác. Mở đầu là những câu hát chào, hát mừng khi gặp nhau (hát gặp hay hát chào hỏi), tiếp theo là các phần hát giao hẹn (giao kèo), hát hỏi, hát đố, hát mời (trầu, cơm, nước…), hát họa, hát huê tình (giao duyên), chinh phu, chinh phụ, hát cưới, hát lính, hát thư... và kết thúc là hát ra về (hát tiễn)[1]

Vào đầu hội hát, chàng trai muốn hát với ai thì tiến tới ngỏ lời, nếu cô gái đồng ý sẽ đưa tay cho chàng nắm và đôi nam nữ tay trong tay gửi trao những lời hát yêu thương, trữ tình. Cô gái chỉ bỏ khăn che mặt để chàng trai được ngắm nhìn dung mạo của mình sau khi đã cảm mến chàng trai nào qua những lời ca, tiếng hát. Giữa canh hát, cô mời trầu nước, tặng vật kỷ niệm cho chàng để tỏ lòng mến mộ. Chiều, cô mời chàng về nhà mình ăn bữa cơm đầu xuân để biết cửa nhà[5][8].

Ngày hát giã đám kéo dài đến tận khuya, các chàng trai, cô gái trao giữ kỷ vật cho nhau, những lời ca đối đáp ít dần, mà thay vào đó là những câu hát từ nỗi lòng sâu kín, những lời hát trữ tình, bâng khuâng, lưu luyến, những yêu đương, thương nhớ, những xa cách, chia ly, những hứa hẹn, đợi chờ và hy vọng… và mong đợi mùa hội sau, lại được say đắm trong tiếng hát của nhau[6].